Người Việt bốn phương (số 658)

05/01/2020 22:25

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết Việt Nam coi trọng quan hệ với Nhật - đối tác tin cậy, quan trọng hàng đầu và lâu dài.

Người Việt, bộ phận quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội ở Gunma

Thống đốc tỉnh Gunma của Nhật, ông Ichita Yamamoto, tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, cho biết, người nước ngoài nói chung và cộng đồng người Việt Nam nói riêng đã trở thành một bộ phận quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Gunma. Ông khẳng định trên cương vị của mình, sẽ tiếp tục nỗ lực tăng cường tiếp nhận và tạo điều kiện thuận lợi cho tu nghiệp sinh Việt Nam sang làm việc tại tỉnh Gunma. Việt Nam là điểm đến đầu tiên của ông Ichita Yamamoto trên cương vị Thống đốc tỉnh Gunma.

 

Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết Việt Nam coi trọng quan hệ với Nhật - đối tác tin cậy, quan trọng hàng đầu và lâu dài, chia sẻ nhiều lợi ích chiến lược chung, ủng hộ Nhật phát huy vai trò quốc tế tại khu vực và toàn cầu. Ông đề nghị Thống đốc tỉnh Gunma tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để tiếp nhận nhiều hơn nữa tu nghiệp sinh và lao động Việt Nam sang làm việc, sinh sống tại địa phương, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp của tỉnh tăng cường đầu tư tại Việt Nam.

Sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc: Vận động lao động Việt về nước đúng hạn

Tại buổi tư vấn và vận động lao động Việt Nam về nước đúng hạn, ông Trần Trường Thủy, Phó Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc, đã kêu gọi người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc nói chung, lao động làm việc tại Busan nói riêng, tuân thủ tốt hợp đồng lao động và pháp luật của Hàn Quốc, theo TTXVN. Theo ông, tình trạng một số lao động làm việc tại Hàn Quốc tự ý ở lại sinh sống và làm việc sau khi kết thúc hợp đồng lao động, đã ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh chung của người lao động Việt Nam, hình ảnh chung của Việt Nam, đặc biệt là tác động bất lợi đến việc duy trì ổn định và phát triển thị phần lao động Việt Nam tại Hàn Quốc.

Bà Phạm Ngọc Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước, đại diện cơ quan quản lý lao động của Việt Nam, cũng kêu gọi lao động Việt Nam ở Hàn Quốc về nước đúng hạn khi kết thúc hợp đồng lao động để có cơ hội trở lại Hàn Quốc làm việc hợp pháp với thu nhập tốt. Bà cũng đề nghị những người đang cư trú, làm việc quá thời hạn tại Hàn Quốc tự nguyện về nước để được hưởng chính sách ân hạn của chính phủ Hàn Quốc và Việt Nam.

Đức bắt 17 người Việt nhập cư trái phép

Cảnh sát Đức đã chặn 3 ô tô chở 17 người Việt từ Đông Âu nhập cư trái phép vào nước này, theo Bild. 3 chiếc xe chở người Việt nhập cư lậu bị phát hiện khi cảnh sát Liên bang Đức tiến hành một cuộc kiểm tra an ninh trên đường cao tốc A17, thành phố Dresden. Cảnh sát đang điều tra những kẻ buôn người đứng sau các vụ nhập cư lậu này. Hiện chưa rõ 3 chiếc xe bị bắt có liên quan tới nhau hay không.

Sự việc gây chú ý sau vụ 39 người chết ngạt trong container từ Bỉ đến Anh hôm 23.10. Đức là một trong những điểm đến của nhiều người Việt nhập cư bất hợp pháp và đi qua các nước Đông Âu nằm trong khối Schengen là tuyến đường vượt biên tới Đức phổ biến nhất được các đường dây buôn người sử dụng. Tờ DW cho hay, năm 2018, Đức đã bắt hơn 38.000 người nhập cư lậu, trong đó chủ yếu là bằng đường bộ và đi qua biên giới Czech.

Giáo viên, thách thức lớn nhất trong dạy tiếng Việt ở Campuchia

Trường Tiểu học Hữu nghị Khmer - Việt Nam Tân Tiến ở thủ đô Phnom Penh, Campuchia, trong năm học 2019-2020, dự kiến áp dụng giảng dạy song ngữ (Việt - Khmer) tới lớp 4. Tờ Thế giới & Việt Nam dẫn lời cô Thạch Thị Lan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hữu nghị Khmer - Việt Nam Tân Tiến, thách thức lớn nhất hiện nay của trường là giáo viên. Đội ngũ giáo viên phần lớn chưa được đào tạo sư phạm bài bản, trong khi lương chưa đáp ứng đủ nhu cầu cuộc sống, nên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giảng dạy.

Trường giảng dạy theo chương trình sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, nhưng từ nhiều năm nay, với xác định tầm quan trọng của việc hòa nhập tốt hơn với cộng đồng nước sở tại, Trường đã dạy chữ Khmer từ mẫu giáo tới lớp 4. Với việc mở rộng học thêm chương trình giáo dục của Campuchia trong hệ thống các trường Tân Tiến, Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia sẽ cân nhắc khả năng cho liên thông, công nhận kết quả học tập của trường Tân Tiến, để trẻ em người gốc Việt được theo học các lớp cao hơn. Đây cũng là một cơ chế hoàn thiện để đưa trường Tân Tiến vào hệ thống trường công lập Campuchia, con em người gốc Việt và người Khmer cùng được học dưới một mái trường, chia sẻ cơ sở học tập.

29 học sinh tốt nghiệp khóa học tiếng Việt ở Ukraine

Hội người Việt Nam và Ban tiếng Việt Làng Thời Đại ở thành phố Kharkov thuộc Ukraine đã trao Giấy chứng nhận, quà cho 29 học sinh tốt nghiệp lớp tiếng Việt khóa 2011-2019, theo Tạp chí Quê hương. Ông Vũ Huy Dương, Trưởng Ban tiếng Việt, Hội người Việt Nam tỉnh Kharkov, đánh giá cao sự tận tâm trong công tác giảng dạy tiếng Việt của cô Đoàn Thị Thanh Huế và sự ủng hộ của phụ huynh dành cho các lớp học tiếng Việt.

Theo cô Thanh Huế, việc học tiếng Việt không chỉ dừng lại ở ghế nhà trường, mà còn phải luôn trau dồi vốn từ vựng, nâng cao kiến thức. Cô hy vọng việc sử dụng thành thạo tiếng Việt sẽ là sợi dây chắc chắn, gắn kết các em với quê hương, đất nước.

Người Việt ở Myanmar chuộng hàng hóa Việt Nam

 

Rất đông người Việt ở Myanmar đã dự Triển lãm “Thương hiệu Việt Nam tại Myanmar - Chất lượng hướng đến thành công” tại thành phố Yangon, cho thấy các thương hiệu hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam đã thâm nhập tốt thị trường Myanmar, được người tiêu dùng Myanmar và cộng đồng người Việt ở Myanmar ưa chuộng và tin dùng. Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp, người Việt sinh sống, làm việc tại Myanmar gặp gỡ giao lưu, hỗ trợ nhau trong công việc và cuộc sống. 

Việt Nam hiện đứng thứ 7 trong tổng số 50 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Myanmar. Với 25 dự án, tổng số vốn đầu tư gần 2,2 tỉ USD. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 9 của Myanmar với tổng kim ngạch trao đổi hàng năm tăng 13% trong 5 năm qua, đạt 860 triệu USD năm 2018, được kỳ vọng sẽ chạm mốc 1 tỉ USD vào năm 2020, theo Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar

►Người Việt bốn phương (số 655)

►Người Việt bốn phương (số 657)

►Người Việt bốn phương (số 656)

f | Chia sẻ bài viết

Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư

Nguồn nhipcaudautu.vn

Bạn đang đọc bài viết "Người Việt bốn phương (số 658)" tại chuyên mục SỨC KHỎE - Y TẾ.

Đọc các tin bài có liên quan tại trang https://nongthonvaphattrien.vn/