Người khai sinh ra dòng tranh có thể chống lửa, chống đạn

Đăng bởi Dương Đình Tường

13/03/2021 09:14

Đập không vỡ, đốt không cháy, cạo không đi, thậm chí đứng cả lên mà dậm thình thình nhưng những bức tranh bằng kính vẫn cứ trơ ra, không suy suyển.

Tranh kính đặt trong nhà nguyện ở Phát Diệm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tranh kính đặt trong nhà nguyện ở Phát Diệm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vô số lần phá sản

Vào nguyện đường trong thánh lễ tạ ơn làm phép cho ngôi nhà chung mới xây ở Phát Diệm (Kim Sơn, Ninh Bình) từng bước chân trở nên vang vọng lạ thường. Nắng sớm chiếu vào 8 bức tranh kính khiến cho các thiên thần bên trong thêm lung linh, huyền ảo như muốn giục lòng tôi quỳ dưới chân cây thánh giá.

Chỉ tay vào quầng hào quang trên đầu Chúa trong bức phép rửa của Thánh Gioan tẩy giả, nghệ nhân Phạm Hồng Vinh của Công ty Kính nghệ thuật Coba giới thiệu màu đó làm từ bột vàng non tuổi giá 18 triệu/kg. 

Khác với vẽ trên giấy chỉ có một mặt, cái khó nhất của nghề tranh kính là có hai mặt, sau khi điêu khắc đến công đoạn tô màu phải có cách vẽ đặc biệt để nhìn từ trong cũng như từ ngoài đều đẹp và giống nhau.

Phải vẽ làm sao để không có vết chổi, phần tối và phần sáng tách biệt chứ không được chỗ này trắng quá, muốn cho tối đi lại quét thêm, tối quá lại cho sáng lên. Vẽ đến đâu được đến đấy, không được chỉnh sửa nên chỉ một chấm màu khác ý một cái là phải lau rửa toàn bộ mà vẽ lại.

Anh Vinh bên những 'đứa con tinh thần' của mình. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Vinh bên những "đứa con tinh thần" của mình. Ảnh: Dương Đình Tường.

Để hoàn thiện 1 bức tranh chừng hơn 1m2, công đồ họa, vẽ mất 1 tuần, điêu khắc mất 3 - 4 ngày. Khi hoàn chỉnh xong về màu mới chuyển vào lò nung.

“Độ bền của tranh nhờ hai yếu tố, kính được cường lực và màu là sự kết hợp của thủy tinh và men gốm.

Màu tranh qua 700oC đã được thủy tinh hóa, bám chặt không bao giờ bạc. Những đồ gốm Chu Đậu nằm dưới biển mấy trăm năm vớt lên vẫn đẹp nên những tranh kính của tôi dám bảo hành 500 năm nhưng cũng không thể sống được lâu như thế.

Tranh có thể chịu lực xấp xỉ 10 lần so với kính thường, nếu muốn chỉ cần dán thêm một lớp nữa thì đạn bắn vào chỉ hỏng lớp ngoài cùng, chạm đến lớp trong sẽ bị trượt ra”.

Cơ duyên nhiều khi giống như chuyện có những người sinh ra chuyên để làm một việc. Không có ai dạy vẽ nhưng từ lớp 1, 2 anh Vinh đã bộc lộ được năng khiếu, đến cấp ba đã vẽ truyền thần rất giỏi.

Học Đại học Kinh tế Quốc dân ra trường năm 1984 anh về làm trọng tài kinh tế của tỉnh Hà Sơn Bình cũ, thấy không hợp nên rẽ ngang đi theo nghệ nhân bàn tay vàng gốm sứ Bùi Văn Phú với bí kíp gia truyền xương men ngọc.

Thời gian đấy anh còn về Bát Tràng tìm hiểu những tuyệt chiêu của làng nghề để sáng tạo ra dòng tranh sứ. Mỗi bức 60x60cm bán tương đương với 3 cây vàng trong khi chỉ làm trong khoảng 1 tuần là xong.

Tranh kính đặt trong nhà nguyện ở Phát Diệm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tranh kính đặt trong nhà nguyện ở Phát Diệm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Không chỉ dừng lại đó, anh nghiên cứu ra quả sứ cách điện dùng trong cao thế. Nhận hợp đồng xong không may là Nhà nước cấm nhập lò tuynel anh đành tự xây lò liên hoàn dựa trên cải tiến lò bầu truyền thống của Bát Tràng nhưng không dùng củi mà dùng than đá, nâng nhiệt từ 1.000oC lên 1.600oC.

Cái lò mới ra đời giúp cho 300 con người có công ăn việc làm, riêng tiền than đốt một lần tương đương 17 xe máy Simson thời bấy giờ nhưng một buổi bỗng bị nổ tung, may mà vào giữa đêm nên không ai chết.

Anh lại mày mò xây một lò tuynel nhưng do không có loại sắt chịu nhiệt nên khi nung khung bị chảy ra, sụp xuống. Đầu tư cả trăm triệu đồng, tương đương cả ba lô vàng hồi ấy nhưng phá sản, vợ chồng anh đành về ngồi lê la vỉa hè bán bún giò, bò heo.  

Có người biết tay nghề của anh nên mang bộ cốc thủy tinh đến đặt hàng để mài hoa văn. Anh bảo phải xây lò để nung đá mài kính mới thi công được. Được tạm ứng nửa chỉ vàng anh đi mua bột mài trộn với bột men gốm sứ, đóng khuôn rồi nung trong cái lò con đặt ở gian bếp. Hàng nhái nhãn mác Liên Xô, Tiệp Khắc nhưng mang đi đổ ngang giá hàng ngoại vì chất lượng tốt.

Tranh kính đặt trong nhà nguyện ở Phát Diệm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tranh kính đặt trong nhà nguyện ở Phát Diệm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bán được ít tiền, anh xây cái lò to hơn để có thể nung cùng một lúc 4 bức tranh sứ. Nhưng hễ vẽ xong rồi chỉ đợi phơi trong bóng râm chừng 15 ngày sẽ khô, cho vào lò hấp cho kiệt nước, tô màu, tráng men rồi nung thì cả 4 lần đều hỏng bởi những lý do rất đặc biệt. Lúc thì mưa, bận thì mèo nhảy đổ, mà đã hỏng là hỏng hết không còn một tấm, như có một thế lực nào đó phá, đành phải bỏ.

Học được nghề mài hoa trên lọ hoa thủy tinh, anh còn tự tập vẽ tranh trên kính theo kiểu ngược rồi vời các em, các cháu đến để truyền dạy, tạo nên hãng gương tủ ly, tủ đứng nổi tiếng là Coba - tức tên bà cô tổ đã hướng anh vào nghề này. Với khẩu súng phun cát tự chế để làm mờ kính, anh trở thành chủ của 3 xưởng cấp toàn bộ hàng cho cả nước.

Công việc đang ăn nên làm ra thì năm 1996 Trung Quốc xuất sang loại kính lụa, khi cán ra đã sần luôn, không phải phun cát để làm mờ nữa, giá rất rẻ khiến cho anh Vinh lại phá sản. Cơ cực đến mức các con còn không có tiền đóng học phí, phải đi học chịu mất 2 năm.

Trong thời gian ấy anh lại nghĩ ra công nghệ hóa mờ kính chỉ trong 20 giây, làm được mấy năm thì hết nợ. Có tiền anh mua máy mài nhưng lúc này thị trường đòi hỏi không chỉ là vẽ hoa kiểu đơn giản mà tranh phong cảnh, tranh chân dung… Lại phải tập vẽ đến mấy năm sau mới tạm gọi là thành thạo.

Nghề làm tranh kính như một định mệnh bởi anh dù bươn chải nhiều nghề, thậm chí hai lần thử cho vay nặng lãi nhưng rồi lại mất sạch, phải trở về với nó.

Gượng dậy từ đống kính phế liệu

Mặt ngoài của một bức tranh kính. Ảnh: Dương Đình Tường.

Mặt ngoài của một bức tranh kính. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một bận đến nhà máy kính cường lực, thấy đống phế thải cao như núi, thấy tiếc anh mới hỏi: “Đống này ông có làm gì không?”. Giám đốc bảo: “Cho anh muốn làm gì thì làm”.

Được lời như cởi tấm lòng, anh rủ vị giám đốc đó liên kết, cho mình được độc quyền 3 năm rồi về thiết kế ra cái thớt, đem mài, cho vào lò của nhà máy nung thành kính cường lực, in bao bì, nhãn mác, mang đi chào. Hàng đang bán chạy nhưng một hôm anh đến nhà máy thấy có ô tô đến “ăn” thớt nhưng không phải mối của mình, thế là nghỉ.  

Anh liên kết với một cơ sở kính cường lực khác để sản xuất các đợt kính dùng trong thiết bị vệ sinh tận dụng từ phế phẩm nhưng cũng chỉ được một thời gian thì giám đốc ở đây lại học mót, mua máy mài, máy phun cát về làm nên anh phải bỏ.

Năm 2013, anh thử đưa tranh kính vào lò nung, có những lúc sản phẩm lỗi không tính bằng tạ nữa mà phải tính bằng tấn để cuối cùng tạo ra thứ tranh có độ bền gần như vĩnh cửu, mừng quá nên vứt hết 2.000 cái gương không cần bán nữa mà tập trung hoàn thiện dòng sản phẩm mới này.

Bởi xưởng của mình hễ ra mẫu gì là người ta lại mang sang Trung Quốc, chỉ mấy tháng sau là có cái y hệt, giá lại rẻ, để đánh lạc hướng, anh làm hẳn một catalogue bộ sưu tập các loại gương thiết bị vệ sinh rất độc đáo nhưng cũng rất khó làm như gương chống mờ hơi nước, gương siêu bền, gương hoa văn nổi, gương hoa văn chìm…

Quầng hào quang được làm từ vàng thật. Ảnh: Dương Đình Tường.

Quầng hào quang được làm từ vàng thật. Ảnh: Dương Đình Tường.

Các đối thủ hí hửng lại mang quyển catalogue đó sang Trung Quốc đặt hàng, để làm hết các gương này phải mất vài năm. Trong vài năm đó anh tập trung nghiên cứu các màu men rồi tập vẽ truyền thần, phong cảnh tại xưởng ở thị xã Sơn Tây.

Từ 2013 đến 2015 anh đưa mặt hàng tranh kính vào các nhà chùa và khi sản phẩm dần hoàn thiện về mọi mặt thì các nhà thờ biết tiếng. Bắt đầu từ nhà thờ Đại Ơn ở huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội.

Tranh kính của phương Tây đã có từ hàng ngàn năm nay, được ghép bằng những mảnh nhỏ lại với nhau, liên kết bằng nẹp chì, tuy đẹp nhưng chỉ phù hợp với khí hậu khô, lạnh của châu Âu, khi về xứ nóng ẩm, mưa nhiều như Việt Nam chỉ mấy chục năm là chì bị mục, gió mạnh thổi bay cả kính. Các nhà thờ xây mới mấy chục năm qua ở ta không dám dùng loại kính đó phần bởi quá đắt, phần bởi chỉ được một thời gian là hỏng nên thay thế bằng các hoa văn bê tông, sắt đúc.

Gia đình của anh Vinh trong phòng nguyện ở Phát Diệm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Gia đình của anh Vinh trong phòng nguyện ở Phát Diệm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Khác với tranh ghép từ các mảnh kính nhỏ của nước ngoài, tranh của anh Vinh là kính liền mảnh, khổ lớn. Nếu tranh Tây giá khoảng 3.000 USD/m2 (tương đương cỡ 70 triệu đồng) thì tranh ta chỉ 300 USD/m2 (tương đương cỡ 7 triệu đồng). Hơn thế nữa nó còn có độ bền gần như là vĩnh cửu. Bởi tính độc đáo nên sản phẩm đã được công nhận OCOP của Sơn Tây.

Tiếng lành đồn xa, các nhà thờ khác liên tiếp tìm đến, đặt hàng. Cho đến nay anh đã hoàn thiện tranh cho khoảng 50 nhà thờ, trong đó có những công trình tổng diện tích lên tới trên 300m2, giá trị cả tỉ đồng dù cái nào anh cũng giảm giá khá nhiều so với bên dân dụng. Mục tiêu của tuổi 60 này cho đến già là anh sẽ hoàn thiện tranh cho tổng cộng 100 nhà thờ khắp đất Việt.

Sẵn sàng dạy kỹ thuật điêu khắc kính trên mạng nhưng anh vẫn giữ riêng cho mình một bí quyết đó là các bài pha chế màu biến hóa khôn lường.

Dương Đình Tường
Nguồn https://nongnghiep.vn/nguoi-khai-sinh-ra-dong-tranh-co-the-chong-lua-chong-dan-d284340.html

Bạn đang đọc bài viết "Người khai sinh ra dòng tranh có thể chống lửa, chống đạn" tại chuyên mục THƯƠNG HIỆU - SẮC ĐẸP.

Đọc các tin bài có liên quan tại trang https://nongthonvaphattrien.vn/