Chủ vườn nhờ tôi đặt anh Đông 4 năm nhân 1.000 cây, trả ngay 10 tỉ

11/08/2020 15:54

"Chết ngay, dây vào có mà đền ốm!", GS Trần Duy Quý - nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp nói với tôi trên tầng thượng đầy lan của mình.

"Chủ vườn có Huyền thoại bướm đại ngàn nhờ tôi đặt anh Đông (PGS.TS Đặng Văn Đông - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu rau quả) trong 4 năm nhân ra 1.000 cây sẽ trả ngay 10 tỉ. Chết ngay, dây vào có mà đền ốm!", GS Trần Duy Quý - nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp nói với tôi trên tầng thượng đầy lan của mình.

Giáo Sư Trần Duy Quý - nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp, hiện đang là Chủ tịch Hội lan Hà Nội. Ảnh: Dương Đình Tường.

Giáo Sư Trần Duy Quý - nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp, hiện đang là Chủ tịch Hội lan Hà Nội. Ảnh: Dương Đình Tường.

Người Việt xưa chuộng địa lan chứ không phải phong lan

GS Trần Duy Quý là người đóng đủ cả “hai vai” trong cuộc này. Vai thứ nhất nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp đủ đảm bảo cho những gì ông nói là đúng chuyên môn. Vai thứ hai đang là Chủ tịch Hội lan Hà Nội đủ đảm bảo cho một tình yêu với loài thực vật này.

Ông bảo, thú chơi lan của Việt Nam cũng như thế giới thường chú trọng đến các loại quý hiếm về thân, lá và đặc biệt là hoa. Trong hoa có màu sắc, cánh và hương. Từ thời nhà Trần, thậm chí trước đó, người Việt đã có thú chơi lan nhưng là địa lan. Về màu không thích rực rỡ bởi cho là “đĩ” mà chỉ thích sẫm màu cũng có khi xanh hoặc vàng và hương thơm thoang thoảng.

Những loài lan có đặc điểm đó được cho là quý hiếm và lưu truyền cho đến tận nay. Giờ gu chơi khác, màu sắc rực rỡ hơn nên những loại lan truyền thống trở nên rẻ. Còn phong lan, từ xưa chỉ chơi chút ít trong dân gian mà không thành trào lưu. Những người đầu tiên nghiên cứu phong lan Việt là người Pháp, vào đầu thế kỷ 19 và ghi chép trong sách “Thực vật chí Đông Dương”.

GS Trần Duy Quý bên vườn lan trên sân thượng với nhiều loài quý hiếm. Ảnh: Dương Đình Tường.

GS Trần Duy Quý bên vườn lan trên sân thượng với nhiều loài quý hiếm. Ảnh: Dương Đình Tường..

Đột biến là gì và thú chơi lan đột biến bắt nguồn từ đâu thưa ông?

Đột biến là những biến đổi trong cấu trúc di truyền của cơ thể sống, mắt không nhìn thấy được, muốn phát hiện phải có các kỹ thuật như sinh học phân tử, lai và các chỉ thị phân tử về các dấu hiệu hình thái. Nhưng những gen đột biến nằm sâu bên trong lại tương tác với môi trường tạo ra các biến đổi hình thái khác với thông thường. Ví dụ lá đang xanh thành vàng, có 5 gân thành 10 gân, đang hình bầu lại thành hình lõm… Đã là đột biến thì di truyền mãi mãi cho con cháu.

Cây nào trong tự nhiên cũng có thể đột biến. Như lúa - đối tượng nghiên cứu chính của tôi, nhờ có đột biến mới gây và tạo ra hàng ngàn các đột biến khác nhau nữa làm nguyên liệu chọn lọc, làm ra nhiều giống trong đó có DT 10 nổi tiếng.

Đa phần các đột biến là có hại cho cây trồng. Nhưng trong số hàng vạn đột biến thì lại có những đột biến quý vì tăng năng suất hay hoa có màu sắc sặc sỡ, thơm hoặc chống chịu tốt. Quý là cho con người chứ chưa chắc cho bản thân cây đó bởi phần lớn các lan đột biến đang chơi rất yếu, sinh trưởng chậm, lâu ra hoa.

Người chơi lan đột biến thích hoa có màu sắc đẹp, thơm, khuôn bông cân đối. Ưa chuộng nhất tại thời điểm này là 5 cánh trắng vai ngang, cánh bầu, mắt sạch sẽ, môi cựa không lem nhem. Những tiêu chuẩn đó rất ít thấy nên hiếm. Mà khi hiếm thì nhiều người muốn sở hữu nên đẩy giá lên thậm chí quá giá trị thực, đôi lúc kéo theo hiện tượng ăn theo, làm sai lệch thị  trường.

Chỉ một mầm như này có thể đã có giá cả trăm triệu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chỉ một mầm như này có thể đã có giá cả trăm triệu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hiện nay trong giới chơi lan đột biến, loại nào đắt nhất và rẻ nhất thưa ông?

Theo tôi đắt đầu bảng là 5 cánh trắng Bảo Duy, 1 mắt ngủ tức chưa lòi mầm đã 500 triệu, nảy mầm như hạt đỗ xanh là 1 tỉ. Vườn lan Hai Beo ở Hóc Môn (TP.HCM) vừa chào giá tôi như vậy. Người ngoài ông còn chưa muốn bán nhưng vì tôi là Chủ tịch Hội lan Hà Nội, lại đến tận nơi nên nếu bán thì kỷ niệm bằng giá đó. Thứ hai là Người đẹp không tên vài trăm triệu/cm, vườn lan Hai Beo có 1 giò 4 thân, trị giá ước 40 tỉ nhưng cũng không bán. Thứ ba là Huyền thoại bướm đại ngàn vừa rồi đấu giá làm từ thiện chống Covid-19 được 11,7 tỉ.

Còn đột biến rẻ nhất có loại chỉ 200.000 - 500.000 đồng/giò như Hạc vĩ trắng, Đùi gà trắng… Ngay cả 5 cánh trắng Anh Quân, 5 cánh trắng Thực Hà một thời từng làm mưa làm gió giá 1 triệu/cm giờ cũng chỉ 100.000 - 300.000 đồng/cm.

Cùng là đột biến nhưng giò Hạc vĩ trắng này chỉ có giá vài trăm ngàn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cùng là đột biến nhưng giò Hạc vĩ trắng này chỉ có giá vài trăm ngàn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vậy thì cái gì làm cho giá lan đột biến tăng giảm thất thường như vậy thưa ông?

Do nhu cầu và gu chơi của con người thay đổi theo thời gian như mốt quần áo. Khi đã lỗi mốt thì lập tức phải xuống giá. Ví dụ trước đây 5 cánh trắng Anh Quân, Thực Hà đắt thế nhưng giờ không mấy ai chơi vì chú ý đến loại khác màu đẹp hơn, cánh cân đối hơn. Lý do thứ hai là do đã nhân được nhiều ky hơn. Hi vọng 5 cánh trắng Bảo Duy hay Huyền thoại bướm đại ngàn nếu nhân ki bình thường để cho rẻ cũng phải mất 5 - 10 năm nữa.
Lý thuyết là thế nhưng thực tế khác hẳn

Vừa rồi trong một bài phỏng vấn PGS.TS Đặng Văn Đông - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu rau quả cho biết đơn vị chuẩn bị xuất ra hàng vạn phi điệp đột biến cấy mô có đặc tính giống hệt cây mẹ kể cả hoa, ông thấy sao?

Về nuôi cấy mô, nguyên lý tất cả thực vật đều có khả năng tái sinh vì tính toàn năng của tế bào. Đấy là về mặt lý thuyết nhưng trên thực tế có nhiều loài không phản ứng với môi trường nuôi cấy, khử trùng xong đưa vào, nằm yên rồi chết nhưng cũng có loài rất dễ nuôi cấy. Lan cũng thế! Dễ nuôi cấy như hoàng thảo Thái, vũ nữ Thái hay hồ điệp… nhưng hoàng vũ là lan thường mà cả Trung Quốc lẫn Việt Nam chưa thể làm được.

Công nghệ nhân theo ky truyền thống của vườn lan Lê Sơn. Ảnh: Tư liệu.

Công nghệ nhân theo ky truyền thống của vườn lan Lê Sơn. Ảnh: Tư liệu.

Lan rừng của ta đưa vào nuôi cấy mô cũng không đơn giản. Trong nuôi cấy mô, chú trọng nhất là lấy bộ phận nào. Nếu lấy từ chồi về nguyên lý có thể ra được cây giống hệt mẹ về hình thái còn chất lượng biểu hiện các dấu hiệu khác lại phụ thuộc đa phần vào môi trường nuôi.

Sau khi nuôi ra cây lại phụ thuộc vào ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm… đến lúc ra hoa chưa chắc hoa đã giống mẹ, có khi lại màu khác. Đó là mức phản ứng của một cá thể.

Lịch sử di truyền học của Nga có một bác học thuộc trường phái Lysenko coi trọng môi trường là chính, một bác học thuộc trường phái Morgan coi trọng gen là chủ đạo. Hai ông tranh luận nhau về cây hoa hồng trồng ở phương Bắc nở ra màu trắng nhưng trồng ở phương Nam lại ra màu đỏ. Cuối cùng họ phát hiện ra quy luật là mức phản ứng của gen.

Nguồn https://nongnghiep.vn/chu-vuon-nho-toi-dat-anh-dong-4-nam-nhan-1000-cay-tra-ngay-10-ti-d270672.html

Bạn đang đọc bài viết "Chủ vườn nhờ tôi đặt anh Đông 4 năm nhân 1.000 cây, trả ngay 10 tỉ" tại chuyên mục Nông thôn mới - Sản phẩm OCOP.

Đọc các tin bài có liên quan tại trang https://nongthonvaphattrien.vn/