CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH DƯỚI GÓC NHÌN BÁO CHÍ, CHÍNH KHÁCH VÀ CÁC NHÀ NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ VĂN HÓA NƯỚC NGOÀI

Đăng bởi TS. Lê Thành Ý

28/05/2020 15:49

Ngày nay, tên tuổi và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được trân trọng ghi vào các bộ đại bách khoa thế giới và trong những bộ từ điển danh nhân lỗi lạc của loài người. Tên Người còn được đặt cho nhiều quảng trường, tượng đài, khu lưu niệm, trường học… ở nhiều nước.

Cùng với đó, nhiều đại lộ và đường phố của Thủ đô các nước như Nga, Pháp, Ấn Độ, Burkina Faso, Mozambique, …mang tên Hồ Chí Minh đã khẳng định tình cảm chân thành của nhân loại dành cho Người. Nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Chủ tịch, Diễn đàn xin chia sẻ cùng bạn đọc những tình cảm của bạn bè 5 châu, 4 biển đối với Bác Hồ trong cuộc sống đời thường

Phù điêu Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường mang tên Người Thủ đô Mátxcơva CHLBNga

Chủ tịch Hồ Chí Minh danh nhân văn hóa kiệt xuất dưới gócnhìn của tổ chức UNESCO

Năm 1987, chuẩn bị kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ chí Minh, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp Quốc (UNESCO) đã có Nghị quyết về Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người trên khắp thế giới. Nghị quyết có đoạn viết:“Xét thấy việc tổ chức kỷ niệm trên quy mô quốc tế những nhà trí thức lỗi lạc và danh nhân văn hóa là góp phần vào việc thực hiện những mục tiêu của UNESCO và sự hiểu biết của thế giới…” Tổ chức này ghi nhận “…năm 1990 sẽ được đánh dấu bằng lễ kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Anh hùng giải phóng dân tộc và là Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”…Với Nghị quyết đưa ra, UNESCO khẳng định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh, một biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của một dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội…” và cho rằng “Sự đóng góp quan trọng về nhiều mặt của Chủ tịch trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật, là kết tinh của truyền thống văn hóa hàng nghìn năm của nhân dân Việt Nam, và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau”.

Làm rõ thêm về nhận định này, Katherine Muller-Marin,Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO ở Việt Nam nhấn mạnh “Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng nổi bật về tinh thần quả cảm của dân tộc, bởi Người đã cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp giải phóng đất nước và dân tộc Việt Nam. Qua đó góp phần vào cuộc đấu tranh chung của toàn nhân loại vì hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội…”.

Căn cứ vào những đóng góp của Hồ Chí Minh cho năm lĩnh vực hoạt động của UNESCO Katherine M.M. đã làm rõ thêm những đóng góp này. Trước hết, trong lĩnh vực Văn hóa, bà nhấn mạnh bên cạnh tư cách là một nhà thơ lớn, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc bảo vệ và bảo tồn di sản. Sắc lệnh số 65 được Chủ tịch Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành tháng 11 năm 1945 đã quy định, việc bảo tồn di tích lịch sử là một nhiệm vụ rất cần thiết để xây dựng nước Việt Nam. Quyết định này còn cấm phá hủy đình, chùa, đền đài, điện thờ hoặc những nơi thờ cúng, các lâu đài, thành quách và lăng mộ, cũng như các đồ vật, sắc chỉ, văn bằng, tư liệu, sách báo có giá trị lịch sử, dù có tín ngưỡng hoặc không. Người cũng rất quan tâm đến khôi phục nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống trên khắp đất nước.

Đại diện tổ chức chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp Quốc cho rằng, bảo vệ và bảo tồn là những nhiệm vụ rất quan trọng, tổ chức này khuyến khích việc nhận diện, bảo vệ và bảo tồn di sản văn hóa cũng như di sản thiên nhiên, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, đặc biệt là những di sản có giá trị nổi bật liên quan đến Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên trên thế giới được ghi trong Công ước 2003 về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Liên quan đến công tác bảo vệ và bảo tồn này của Hồ Chí Minh là Sắc lệnh công nhân Lễ hội giỗ Tổ Hùng Vương, một sự kiện yêu nước nhằm mục đích ghi nhớ công lao to lớn của ông cha, đồng thời nhấn mạnh sức mạnh tinh thần của một dân tộc thống nhất.

Từ thuở ban đầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận ra bản chất hỗn hợp của nền văn hóa Việt Nam. Người nói: “Văn hóa Việt Nam là một kết quả của sự tác động qua lại giữa Đông và Tây”. Người cũng tin rằng, văn hóa là kim chỉ nam cho mọi dân tộc với ý nghĩa là nó giúp nâng cao nhận thức của công chúng, phục hồi sức sống dân tộc và đảm bảo các quyền con người. Trong khẳng định các quyền kinh tế, chính trị; Người đặc biệt  quan tâm tới mối quan hệ giữa văn hóa, kinh tế, chính trị và tin rằng, văn hóa sẽ thẩm thấu vào toàn xã hội, đến với từng thành viên để phát huy tiềm năng sáng tạo của họ.

Trong lĩnh vực Truyền thông và Thông tin, UNESCO thấy rõ vai trò của Người trong việc phát triển báo chí. Đại điện tổ chức này cho biết, Người đã lập ra tờ báo riêng của mình, tờ Le Paria (Người cùng khổ ) vào năm 1921 và sáng lập ra Thanh Niên, một tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam vào năm 1925 và trở thành Tổng biên tập của ấn phẩm này. Người cũng lập ra báo Nhân Dân,tờ báo của Đảng Cộng sản Việt Nam, được xuất bản hàng ngày tại Hà Nội, là cơ quan ngôn luận chính thức của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Hồ Chí Minh đã đưa ra một phong cách làm báo mới ở Việt Nam, lấy dân tộc và người dân làm chủ đề chính. Viết cho giai cấp lao động, các tờ báo cách mạng phải lột tả thực tế đời sống của người lao động và hướng dẫn họ cách ứng xử và hành động nhằm cải thiện điều kiện sống của mình. Hồ Chí Minh đã đặt nền móng cho báo chí Việt Nam, hơn thế nữa Người còn là một nhà báo, viết nhiều thể loại từ bút ký, truyện,thơ đến thời sự, xã luận cùng nhiều thể loại khác. Các bài viết của Người thường đi thẳng vào vấn đề và được viết một cách giản dị, rõ ràng, súc tích và rất dễ hiểu với đông đảo độc giả .

Một điều lý thú theo Katherine là, vào năm 1946, trên cương vị Chủ tịch Lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập Bộ Kinh tế Quốc gia, trong đó có đơn vị thống kê chịu trách nhiệm tập hợp các số liệu về dân số, tình hình tài chính, kinh tế, chính trị, và lý thú hơn nữa là có cả số liệu về văn hóa mà ngày nay chúng ta đang nỗ lực dựa vào thực tiễn đó, để xây dựng và triển khai đưa văn hóa trở thành một  trong những nhân tố chủ chốt của phát triển bền vững.

Trưởng Đại điện UNESCO Việt Nam nhận thấy, trong suốt cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú ý đến các vấn đề của phụ nữ. Người cũng đã viết trong Di chúc, là Đảng và Chính phủ nên có những kế hoạch để ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào mọi lĩnh vực hoạt động, kể cả lãnh đạo, và chị em cần phải phấn đấu vươn lên”.

Về khoa học tự nhiên, Hồ Chí Minh đã sớm thể hiện sự quan tâm của Người đối với các vấn đề liên quan đến môi trường và quan hệ hòa hợp giữa con người với thiên nhiên trong sự phát triển quốc gia. Sự quan tâm của Chủ tịch đối với việc trồng cây và bảo vệ môi trường đã vượt qua biên giới tới mức, trong các chuyến thăm nước ngoài hoặc mỗi khi tiếp đón khách ngoại quốc, Người thường tổ chức lễ trồng cây và gọi những cây này là “cây hữu nghị”,thể hiện một thái độ rất tích cực đối với môi trường. Ngay cả trong Di chúc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khuyến nghị mọi người viếng thăm hãy trồng cây tưởng niệm, Người kêu gọi “trồng và bảo vệ rừng, như bảo vệ ngôi nhà của mình”. Để nêu gương, Chủ tịch đã tạo ra một môi trường tự nhiên tuyệt vời quanh nơi ở của mình và chăm sóc cây cối, hồ cá và chim chóc. Người  nhấn mạnh là, chúng  ta cần bảo vệ, bởi chúng là những báu vật của thiên nhiên.

Trong lĩnh vực giáo dục, Người cho rằng xóa bỏ nạn mù chữ có nghĩa là tạo nên một phong trào giáo dục đại chúng; học đọc và học viết có thể được tiến hành ở bất cứ đâu. Người sáng suốt chỉ ra rằng, một người đã biết đọc, cần tiếp tục học tập bởi người biết chữ có thể quên cách đọc nếu họ không có gì để đọc. Người tuyên bố rõ ràng rằng, Chính phủ và Bộ Giáo dục phải có nhiệm vụ cung cấp sách báo phù hợp với từng cấp độ của người đọc.

Katherine Muller-Marin nhấn mạnh, UNESCO đã đi đầu trong nỗ lực xóa bỏ nạn mù chữ trên toàn cầu với những chương trình như Giáo dục cho mọi người. Bà cảm thấy rất thích thú. khi đọc Công báo Quốc gia của Việt Nam từ năm 1945 đã biết, Bộ Giáo dục được thành lập ngay trong những ngày đầu, khi Hồ Chí Minh trở thành Chủ tịch Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ ra,mục tiêu cuối cùng của việc học và trở thành con người theo đúng nghĩa của từ này. Ý định của Người có mối tương liên chặt chẽ với 4 trụ cột của việc học, được Ủy ban về Giáo dục cho Thế kỷ XXI xác định trong báo cáo của họ trình lên UNESCO trong thập niên 1990 và coi đó là những nguyên tắc cơ bản cho việc định hình lại giáo dục và giáo dục suốt đời.

Kết luận bài phát biểu của mình, Đại diện cho tổ chức UNESCO, Katherine Muller-Marin cho rằng:“Nếu một con thuyền ra khơi mà không định trước bến đỗ, thì gió thổi hướng nào cũng không còn quan trọng nữa, bởi con thuyền có thể đến bất cứ bến bờ nào đó không xác định! Biết được nơi muốn đến có nghĩa là phải có một tầm nhìn rõ ràng về nơi đó;  phải kiểm soát được tốc độ gió và sức lực để tới được bến đã định. Bà nhấn mạnh, có được một vị Chủ tịch như Hồ Chí Minh, Người được nhân dân không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới tôn vinh như anh hùng dân tộc, giống như có được một biểu tượng giúp chúng ta có một tầm nhìn, chỉ cho đất nước một bến đỗ an toàn. Và hơn thế nữa, một lãnh tụ như thế cũng chỉ cho ta cách kiểm soát phong ba bão táp thông qua lòng tự hào, lao động cần cù và quan hệ hòa hiếu. Giờ đây, bà xin cùng dân tộc Việt Nam kỷ niệm ngày sinh của một nhân vật vĩ đại, Người đã để lại một dấu ấn đáng trân trọng trong quá trình phát triển của nhân loại và trong lịch sử của đất nước này.

Chủ tịch Hồ Chí Minh qua góc nhìn báo chí

Cùng với những bài tham luận, phát biểu tại nhiều hội nghị, hội thảo; theo thống kê chưa đầy đủ, đến nay đã có trên 200 tác phẩm và hàng ngàn ngàn bài báo của các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, triết học, tâm lý học, nhân chủng học, , nhà thơ và phóng viên của những tờ báo lớn... viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các tạp chí và nhiều tờ báo. Những ấn phẩm này một mặt, làm rõ sự nghiệp, di sản tư tưởng của Người; mặt khác, cũng khẳng định Chủ tịch là một danh nhân văn hóa kiệt xuất để lại trong lòng dân tộc và bạn bè quốc tế những tình cảm rất sâu đậm.

Cuộc đời hoạt động và sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương cao đẹp, trong sáng về quan niệm nhân sinh và thế giới, tỏa sáng chủ nghĩa nhân văn mới, kết tinh những tư tưởng, tình cảm và ước mơ của nhân loại. Những tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh đến với các dân tộc như một lẽ tự nhiên, lắng đọng trong tâm hồn với sức cổ vũ sâu săc trong mỗi con người, mỗi dân tộc. Người  là hiện thân cho những phẩm chất tốt đẹp nhất của người cách mạng sống mãi trong trái tim nhân loại.

 

Ngay khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa  ra đời, đối mặt trực diện với thực dân Pháp; Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành một “ẩn số” của báo chí nước ngoài.

Việc tìm hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với phương Tây đã có từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945 nhằm tìm cách “giải mã” câu hỏi được đặt ra lúc bấy giờ “Hồ Chí Minh là ai?. Những công trình viết về Hồ Chí Minh ở Pháp, Mỹ... như của Jean Lacouture,David Hamberstam, Sophie Quin- Judge … đã khá quen thuộc với Việt Nam.

Nhà báo Stanley Karnow trong cuốn: Việt Nam - Một lịch sử đã viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh như sau: “Một thân hình gầy gò, chòm râu dài, chiếc áo khoác cũ và đôi dép cao su đã mòn, Hồ Chí Minh đã tạo ra một hình ảnh Bác Hồ hiền lành giản dị. Nhưng Người là nhà cách mạng dày dạn kinh nghiệm và một nhà dân tộc chủ nghĩa nồng nhiệt, suốt đời đấu tranh cho một mục đích duy nhất: mang lại độc lập tự do cho dân tộc mình...”.

Tạp chí Time trong số ra ngày 9 tháng 9 năm 1946 với bài viết “ Ho Chi Minh, Who are You?” đã cho rằng, Bác là một nhân vật “rất kỳ lạ”. Tờ New York Times, số ra ngày 9 tháng 5 năm1954 đã viết: “Người không những là thần tượng của nhân dân Việt Nam mà còn được Pháp công nhận là người phát ngôn đầu tiên của Việt Nam… Người Việt Nam này từng để lại ấn tượng sâu sắc và đặc biệt có cảm tình đối với các quan chức và nhà báo nước ngoài. Một người Pháp, sau này trở thành Cao ủy tại Đông Dương, cũng phải thừa nhận ông Hồ là người có tính cách rất mạnh mẽ và đáng tôn kính…Ngày nay, không một tên tuổi nào ở châu Á lại nổi tiếng như nhà cộng sản và dân tộc chủ nghĩa lão thành Hồ Chí Minh. Người chính là biểu tượng, là nhân vật truyền thuyết hơn là một con người bằng da bằng thịt”.

Viết về thân thế và sự nghiệp của Người cùng với Việt Nam chiến thắng Pháp trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tạp chí Time trong số ra ngày 22 tháng 11 năm 1954 nhấn mạnh: “Với thắng lợi Điện Biên Phủ, uy tín của ông Hồ Chí Minh đã vươn tới đỉnh cao mới tại châu Á. Các nhà dân tộc chủ nghĩa tại nhiều nước, mặc dù họ chống cộng, cũng không thể không lấy làm tự hào trước chiến công của một quân đội một nước châu Á đánh bại những kẻ từng là “ông chủ” của họ từ châu Âu tới…

Chủ tịch Hồ Chí Minh trên trang bìa cuốn sách của nhà báominh Wilfred Burchett

Wilfred Burchett (16/9/1911 - 27/9/1983) là một trong số ít phóng viên phương Tây gắn bó với nhân dân Việt Nam trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, đồng thời là người bạn trung thành của nhân dân Việt Nam, luôn ủng hộ Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế, từng ghi lại những kỷ niệm xúc động của mình trong lần đầu được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại chiến khu Việt Bắc, cuối tháng 3/1954 trước khi trận Điện Biên Phủ mở màn. Ông cho biết, “Thật khó tin là chỉ sau vài giờ đến nơi, chúng tôi đã có thể ngồi đối diện với nhà lãnh tụ cách mạng huyền thoại này.Chúng tôi thoải mái nói chuyện với nhau bằng cả tiếng Pháp và tiếng Anh rất lưu loát và cả những câu tiếng Italia với bạn đồng sự người Italia của tôi “. Bằng một hành động giản đơn, nói Bác Hồ vừa lật ngửa chiếc mũ cối trên mặt bàn vừa nói để giải thích câu hỏi của nhà báo. Người nói và chỉ ra đây là Điện Biên Phủ, đây là vùng đồi núi. Những ngón tay mảnh dẻ nhưng mạnh mẽ của Người vuốt quanh vành ngoài của chiếc mũ để chỉ chúng ta đang ở đó; còn dưới này, Người nắm tay đặt sâu xuống lòng mũ, là lòng chảo Điện Biên Phủ, ở đó là người Pháp. Họ không thể thoát được ra ngoài!. Có thể mất thời gian đấy, nhưng họ không thể thoát được.

Khi nhìn nhận về cuộc đời với trên 60 năm hoạt động cách mạng của Bác Hồ, nhà báo người Mỹ Harrison S. Salisbury đã viết: “Người Mỹ thường nghĩ về Hồ Chí Minh qua cuộc chiến tranh ở Việt Nam và qua những dính líu của Mỹ…Cụ đã bằng phương pháp nào đó, đưa toàn

bộ kỹ thuật quân sự Mỹ đến đường cùng trong một cuộc chiến đấu không tiền khoáng hậu giữa chàng David và tên khổng lồ Goliath thời hiện nay”.

Tờ báo Le Figaro của Pháp cho rằng“Cụ Hồ Chí Minh là người đã buộc Pháp phải bỏ thuộc địa quan trọng nhất là Đông Dương…Cụ là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất và làm cho chúng ta kinh ngạc nhất của thế kỷ này”.

Trong số ra ngày 4 tháng 9 năm 1969, Tờ New York Times đã viết “Trong số các chính khách của thế kỷ 20, ông Hồ Chí Minh là nhân vật nổi bật về tính bền bỉ, dẻo dai và lòng kiên nhẫn trong việc tìm kiếm mục tiêu độc lập cho Việt Nam và thành công trong việc dung hòa chủ nghĩa cộng sản với chủ nghĩa dân tộc”.

Sau ngày Chủ tịch qua đời, Tờ World daily, đã đăng liên tiếp cả chục số với những bài viết về “Di sản của Hồ Chí Minh”. Trong số ra ngày 20 tháng 9 năm 1969, báo đã viết: “Hồ Chí Minh không những tìm ra con đường đi tới tự do, mà còn sáng lập và xây dựng công cụ lãnh đạo là chính đảng Mác-Lênin… Người đã trở thành biểu tượng Anh hùng và cách mạng trên toàn thế giới. Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật vĩ đại nhất trong thời đại.”

Sau lễ tang Người, tờ báo có số phát hành và ảnh hưởng lớn nhất nước Mỹ là Washington Post, ghi nhận “Con người mảnh khảnh, nhưng đôi mắt tinh anh sáng rực, đã trải qua nhiều nghề nghiệp, từ khi còn là bồi bàn trên tàu thủy, rồi làm nghề rửa bát, cấp dưỡng, giáo viên, thợ rửa ảnh và trở thành nhà tổ chức không mệt mỏi, vươn lên trên những nhân vật đương thời”.

Trong bài “Hồ Chí Minh - Chiến thắng một tầm nhìn” đăng trên tạp chí In Asien của Đức, nhà báo Dierk Szekielda đã viết: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà yêu nước và là người soi sáng con đường đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam, một người có phẩm chất phi thường”.

Đối với báo chí trong khu vực và các quốc gia đang phát triển, tờ Tiến lên của Sri Lanca từng nhấn mạnh“…Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm nên lịch sử hiện đại, là một trong những nhân vật cao quý nhất, đáng kính nhất của thời đại chúng ta. Sự lãnh đạo lâu dài và vẻ vang của người trong cuộc đấu tranh giành tự do ở Việt Nam có ảnh hưởng không chỉ đối với Việt Nam mà còn ảnh hưởng với quá trình phát triển các sự kiện toàn thế giới”.

Tờ Manila Times coi Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng của châu Á vì thành công trong sự nghiệp lãnh đạo một cách mẫu mực, toàn tâm, toàn ý phục vụ quyền lợi của người dân, làm nên lịch sử hiện đại và là một trong những “nhân vật cao quý nhất, đáng kính nhất của thời đại”.

http://www.trian.vn/FileManager/Files/hoangminhduc/images/4(1).jpg

Đại lộ Hồ Chí Minh và bức tượng bán thân của Người ở Ulyanovsk.

Chủ tịch Hồ chí minh từ góc nhìn chính khách và các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa

Nhà cách mạng Ấn Độ, Jawaharlal Nehru đã từng nói về Hồ Chí Minh như sau "Đó là một người đáng yêu và thân thiện vô cùng..., một con người hết sức mong muốn hòa bình".Nét đặc biệt ở Người là sự khiêm tốn, giản dị và chân thành. Nói về Người, cố Tổng thống Chile Xanvado Agiende đã phát biểu: “Đằng sau vẻ bề ngoài mềm mỏng của ông là một tinh thần quật cường, dũng cảm, bất khuất… Lúc đầu người phương Tây chỉ cười bộ quần áo của ông, xong rồi nhiều người nhận rõ rằng, bộ quần áo đặc biệt của ông chứng tỏ cho dù bất cứ ở đâu, giữa những người thượng lưu hay giữa đám đông quần chúng, không bao giờ ông quên mình là người trong quần chúng của đất nước Việt Nam yêu quý của mình… Nếu ai muốn tìm một từ có thể tóm gọn tất cả cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì đó là một sự hết sức giản dị và hết sức khiêm tốn”.

Trong cuốn “Lịch sử Việt Nam” từ 1946-1952 do Nhà xuất bản Seuil-Paris phát hành năm 1952, Philippe Devillers đã viết “… Sự nhìn nhận sáng suốt, ý thức về thực tế và tình thế cấp bách của Việt Nam cùng với sự nhạy bén với tiến trình lịch sử, việc loại trừ tư tưởng bè phái, đã đưa Hồ Chí Minh trở thành một trong những nhà lãnh đạo lỗi lạc nhất trong phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á. Học vấn uyên thâm và kiến thức của ông về thế giới phương Tây, Nga và Trung Quốc đã giúp ông trở thành một con người đặc biệt. Mọi lời nói, hành động của ông đều mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Trong suốt cuộc đời mình, ông đã đấu tranh, bị săn lùng, truy nã, thậm chí bị cầm tù song ông vẫn giữ trong mình một tâm hồn thanh cao đến lạ kỳ”.

Trong chuyến thăm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào năm 1957, Harold Davies, Trưởng đoàn nghị sĩ Quốc hội Anh từng bày tỏ: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là con người rất khiêm nhường, không hề kiêu ngạo. Tôi muốn nói rằng, ông ấy là một trong những nhân vật lừng lẫy nhất trong thời đại của chúng ta. Chúng tôi luôn thấy ở ông một khát khao cháy bỏng đó là: đấu tranh vì hạnh phúc của nhân dân và vì hoà bình”.

Lady Borton, người phụ nữ Mỹ gắn bó thân thiết với Việt Nam từ năm 1969 đã viết: “Tôi cho rằng, nếu không có Hồ Chí Minh thì Cách mạng tháng Tám ở Việt Nam chắc không thành công. Tôi vô cùng khâm phục Hồ Chí Minh. Đó là một lãnh tụ tài giỏi. Trên thế giới có nhiều người giỏi, nhưng thường mỗi người chỉ giỏi một lĩnh vực còn Hồ Chí Minh giỏi cả về thơ ca, ngoại giao, quân sự… Lãnh tụ giỏi thì có nhiều trên thế giới, nhưng Hồ Chí Minh khác người ở chỗ biết tập hợp những người giỏi quanh mình. Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam ra đời gồm toàn những người giỏi không phân biệt thành phần, giai cấp…Hơn thế nữa, ảnh hưởng của Hồ Chí Minh không chỉ ở Việt Nam ,mà còn phải xét trên bình diện đóng góp với phong trào Cộng sản thế giới”.

GS. Nhật Bản Singo Sibata trong cuốn sách Hồ Chí Minh - một nhà tư tưởng, xuất bản tại - Tokyo năm 1972 đã chứng minh, Hồ Chí Minh là nhà lý luận tài giỏi trên mọi lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, tư tưởng và cho rằng: “Những cống hiến của Chủ tịch đã thực sự mở ra một giai đoạn mới trong những lý luận về dân tộc và thuộc địa...”.

X.Aphonin và E.Cobelep, người Nga đã coi Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những nhà cách mạng kiệt xuất:..và “Trước hết là người con của dân tộc mình, người anh hùng dân tộc của đất nước mình”...Khi đến thăm chính thức Việt Nam, Tổng thống Nga V. Putin đã đến viếng thăm nơi ở của Người và ghi lại trong sổ lưu niệm ngày 12 tháng11 năm 2013 rằng  "Nhân loại đã bước sang thế kỷ XXI, thế kỷ hòa bình tiến bộ và phồn vinh; nhưng giá trị tư tưởng, đạo đức của Hồ Chí Minh vẫn là ngọn đuốc, là biểu tượng cho một nền văn hóa tương lai…Và vì thế, lịch sử mãi mãi nhắc tới Người như một bậc thánh nhân”.

Tại Hội thảo quốc tế kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tháng 5 năm 1990, Giáo sư Josephine Stenson, Tiến sĩ sử học của trường đại học Florida Atlantic tiểu bang Florida, Hoa Kỳ đã coi Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhân cách lớn của thời đại. Với góc nhìn  dung dị của một phụ nữ, một trí thức Hoa Kỳ, bà đã cung cấp những thông tin với cách nhìn khác biệt bằng một quan điểm thông thoáng và táo bạo, song vẫn tế nhị về chuyện đời tư nhạy cảm đối với phụ nữ và tình yêu của Người.

Là người đã bỏ tiền túi ra để đi từ Mỹ sang Pháp và Liên Xô cũ, tìm đến những nơi mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng đặt chân tới, nhằm thu nhận được những thông tin, chứng tích nguồn gốc về Người, GS Josephine Stenson bộc bạch, “….Hồ Chí Minh là Người mà tôi dành nhiều thời gian nhất trong đời nghiên cứu lịch sử của mình để tìm hiểu cho được đích thực tính cách của ông. Tôi thuộc tuổi con cháu Bác Hồ, Xin cho phép tôi được ca ngợi, lời ca ngợi muộn màng của người hậu thế…. Tôi đã ở Liên Xô một thời gian tương đối lâu để nghiên cứu về ông. Khi về Mỹ, tôi lại từ New York đến các đảo lửa vùng Đông Bắc châu Mỹ, nơi Cụ Hồ đã đi tàu xuyên đại dương đến đó. Tôi quyết tâm tìm cho được lai lịch văn hóa Hồ Chí Minh, mặc dù ngày đó người ta đã thừa nhận cụ là danh nhân văn hóa của thế kỷ.

Sau khi đã đến những nơi có dấu chân Bác đến, gặp gỡ, trao đổi với  những người đã biết về Người, Josephine Stenson kết luận, khi Hồ Chí Minh còn trẻ là một thanh niên… rất đẹp trai, và bà ngưỡng mộ Người cả bằng đầu óc khoa học đồng thời bằng cả trái tim của một người phụ nữ hậu thế. Qua nghiên cứu, Giáo sư khẳng định, người ta hiểu sai rằng Bác Hồ làm đủ mọi nghề chỉ để kiếm sống, điều này là không đúng!  Bác Hồ chọn việc bồi bàn trên tàu là để có điều kiện đi đến nhiều quốc gia; Bác chọn việc làm ở nhiều khách sạn là nơi có điều kiện tiếp xúc được với những chính khách. Người ta đồn rằng, Cụ Hồ biết 28 thứ tiếng, nhưng theo kết quả nghiên cứu bà thì cụ biết khá sành sỏi đến 12 thứ tiếng.

Josephine cho biết, bà từng đến Luân Đôn tìm hiểu và thấy Nguyễn Ái Quốc kết thân với một số đại văn hào, các nghệ sĩ danh tiếng như Romans, Darwin, vua hề Charlie (Sác-lô), Ở Mỹ bà đã đến khách sạn Boston, nơi Nguyễn Tất Thành từng làm thợ nặn bánh mỳ, cũng là khách sạn mà các đại văn hào châu Âu qua Mỹ đều nghỉ lại và bà được biết, tất cả những chính khách đến ở khách sạn này đều được nguyễn tất Thành ghi lại.

Là nhà sử học, Josephine Stenson đã từng lật xem những trang ghi cảm tưởng của mọi chính khách khi đến tham quan, chiêm ngưỡng và ca ngợi tượng thần Tự do nước Mỹ. Bà cho biết Nguyễn Tất Thành cũng đã đến đây, nhưng không giống như những chính khách khác ghi lại cảm tưởng bằng những lời ca ngợi như Ngôi sao tỏa sáng và ánh sáng tự do trên đầu…; Nguyễn Tất Thành đã nhìn từ dưới chân lên và ghi lại: “Ánh sáng trên đầu thần Tự Do tỏa rộng khắp trời xanh, còn dưới chân tượng thần Tự Do thì người da đen đang bị chà đạp; số phận người phụ nữ bị chà đạp. Bao giờ người da đen được bình đẳng với người da trắng? Bao giờ có sự bình đẳng giữa các dân tộc? Và bao giờ phụ nữ được bình đẳng với nam giới?”. Đây chính là lý do để Josephine Stenson tìm đến con người này để xem lời nói và việc làm có tương phản hay không.

Thật rất lạ và hiếm thấy, bà cho biết, Hồ Chí Minh quả thật là con người nói và làm đi đôi, Theo bà, chính khách nào khi cầm quyền cũng thường ban hành sắc lệnh tôn trọng và bình đẳng cho phụ nữ, nhưng khi sắc lệnh ký xong thì bản thân họ lại vào nhà thổ hoặc cho phép phát triển kỹ nghệ” đàn bà”, thậm chí có vị tổng thống có đến 3,4 tình nhân.

Khai thác nhiều nguồn tư liệu về Bác, Josephine biết được thời trẻ có rất nhiều phụ nữ nước ngoài yêu thương, theo đuổi Bác nhiều năm, song rời đất nước ra đi tìm đường cứu dân tộc Người đã gác tình riêng để tìm cách an ủi, chối từ. Niềm xúc động của người phụ nữ phương Tây trước một con người làm chủ tịch nước suốt 24 năm, đến khi qua đời trên giường nẵm không có hơi ấm đàn bà đã gây ấn tượng vô cùng sâu sắc để Bà đi tới kết luận “ Chủ tịch Hồ chí Minh là người cộng sản vĩ đại, là một siêu nhân. Người càng vĩ đại hơn ở chỗ là một con người bình thường sống hòa lẫn vào cuộc sỗng xã hội chứ không phải siêu phàm”

Đối với các nước trong khu vực,Tổng thư kí Đảng Quốc đại Ấn Độ, Bombay Madhusudan Vairale sau khi gặp Bác đã nhận xét: “Chúng tôi đã được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và chúng tôi thấy ông là một vị lãnh tụ vĩ đại, một người dẫn đường giỏi, một nhà tư tưởng lớn. Nhà lãnh đạo ấy hiểu rõ những hoài bão của người dân và dẫn dắt họ tới con đường tươi sáng”.

Dưới tựa đề:“Nhà lãnh đạo huyền thoại, nhà cách mạng phi thường”, Chủ tịch Hội đồng hoà bình Ấn Độ SS Kitchlew từng ghi nhận “Khó có thể tin rằng đằng sau vẻ bề ngoài khiêm tốn, giản dị và cần mẫn ấy lại ẩn giấu một sự nghiệp đầy sóng gió không ai sánh bằng, ngay cả những nhà cách mạng tên tuổi ở châu Á”. Hồ Chí Minh, nhân vật huyền thoại tượng trưng cho cuộc đấu tranh cao cả vì nền tự do của dân tộc Việt Nam chống lại chủ nghĩa thực dân Pháp, là một trong những biểu tượng sống vĩ đại nhất cho sự phục sinh của người Á- Phi,

Đối với nhân dân châu Phi, Hồ Chí Minh được coi như “một lãnh tụ thần thoại” của nhân dân Việt Nam và trở hành hình ảnh tượng trưng cho cuộc đấu tranh anh hùng và thắng lợi của phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Chủ tịch hội đồng Bộ trưởng nước Cộng Hòa nhân dân Algeria, Houari Boumediene từng chia sẻ “Chủ tịch Hồ Chí Minh là người mở đầu cho cuộc đấu tranh của nhân dân các nước trong thế giới thứ ba để tự giải phóng mình khỏi ách kìm kẹp của chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc”,Tổng thống Guinea, Sekou Toure coi sự xuất sắc và dũng cảm của Người là tấm gương tốt đẹp đối với các dân tộc Á  Phi trong cuộc đấu tranh cao cả chống chủ nghĩa đế quốc, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới

Trong chuyến thăm Việt Nam, Trưởng Đoàn Phật giáo Népal, Vénérable Amritanan, ghi nhận “Chúng tôi hạnh phúc vô cùng khi được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, một người rất giản dị nhưng lại có một tâm hồn cao quý và một trí tuệ uyên thâm. Ông dành trọn tình thương cho mọi người”.

Nhà nvăn Stanley Karnow, trên tạp chí “Time” đã viết“Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kết hợp chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa cộng sản, xây dựng hoàn thiện nghệ thuật chiến tranh du kích tuyệt vời. Bất cứ sự nhân nhượng nào, Hồ Chí Minh nhận thấy, đều đồng nghĩa với việc chia cắt đất nước lâu dài và cướp đi ước mơ thống nhất Việt Nam dưới ngọn cờ của ông…”.

Còn Trưởng đoàn Ca múa nhạc In-đô-nê-xi-a nghẹn ngào xúc động thốt ra “Hãy để chúng con gọi Người là cha, như ở nhà,….Trong suốt chuyến lưu diễn tại Việt Nam, Người đã chăm sóc chúng con như một người cha chăm sóc những đứa con của mình…”.

Thay cho lời kết

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là vị lãnh đạo kính yêu của nhân dân Việt Nam mà còn đối với cả thế giới, đã được nhiều nhà chính trị, văn hóa, văn nghệ sĩ… ngợi ca  Người như một nhân vật kiệt xuất, một nhà chính trị kỳ tài, tấm gương lớn về nhân cách hoàn thiện. Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong con mắt bạn bè quốc tế từ lâu  đã là hình ảnh của một Việt Nam thu nhỏ.

Các dân tộc Việt Nam luôn tự hào về Chủ tịch; Người không chỉ là niềm tự hào dân tộc mà  còn là một vĩ nhân trong thế kỷ XX,đã được UNESCO phong tặng là Anh hùng dân tộc và Danh nhân văn hóa kiệt xuất. Bác Hồ mãi mãi là tấm gương về nhân cách con người. Học tập và làm theo phong cách của Người đã trở thành tâm nguyện của nhiều người được sống trong thời đại Hồ Chí Minh

TS. Lê Thành Ý
Nguồn Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam